TP - Với việc ra mắt Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam
ngày 31-3 tại Hà Nội, điều khiến người tiêu dùng nghĩ đến đầu tiên có lẽ
không gì khác ngoài thực phẩm chức năng (TPCN).
Bán hàng đa cấp mà chủ yếu là bán TPCN mấy năm nay gây không ít điều tiếng. Tiền Phong
có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ
sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, và hiện là Chủ tịch Hiệp hội TPCN
Việt Nam.
 |
PGS.TS Trần Đáng (bìa trái) với Chủ tịch hiệp hội TPCN thế giới | Thưa ông, thực phẩm chức năng bắt đầu vào Việt Nam từ khi nào và đâu là bức tranh thực của thị trường TPCN ở Việt Nam?
TPCN bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2000. Thị trường hiện
nay rất sôi động. Từ chỗ chỉ có 33 loại sản phẩm nhập năm 2000, đến nay,
có hơn 1.700 loại. Từ chỗ chỉ có 3 công ty nhập khẩu, đến nay, hơn
1.100 công ty, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN. Từ chỗ chỉ có
33% sản phẩm được sản xuất trong nước năm 2005, đến nay, lên 66%.
Tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng
Tại sao sau có vài năm vào Việt Nam, nói đến TPCN,
không ít người lại nghĩ đến hai điều nặng nề, bán với giá cắt cổ và lừa
đảo về công dụng?
Nói như vậy là hoàn toàn thiếu hiểu biết về TPCN. Chưa
có thống kê để đánh giá đầy đủ về TPCN nhưng, tôi tin, không dưới hàng
ngàn bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, xương khớp, suy giảm miễn dịch ở
Việt Nam cải thiện được tình trạng bệnh tật của mình nhờ TPCN.
Tuy nhiên, mảng tối về TPCN vẫn còn. Đó là sự hiểu biết
chưa đầy đủ của các đối tượng, từ nhà quản lý, sản xuất kinh doanh, đến
người tiêu dùng, dẫn đến nghi ngờ các sản phẩm TPCN, khiến người tiêu
dùng mất đi cơ hội được sử dụng TPCN để bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho
mình.
Song cũng chỉ một số người chưa hiểu mới nói TPCN là “giá bán cắt cổ và lừa đảo về công dụng”. Trong
xã hội, trước một hiện tượng, bao giờ cũng có người ủng hộ và người
phản bác. TPCN cũng vậy, số người ủng hộ là trên 90%, còn gần 10% là
phản bác vì chưa hiểu đầy đủ về TPCN, chưa nghiên cứu và tìm đọc các
công trình khoa học về TPCN.
Đóng góp cho cái nhìn sai lệch còn do nhiều công ty, tổ
chức vi phạm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm chưa đúng như bản chất, tác
dụng vốn có của sản phẩm đó.
Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Do cả ba lực lượng tạo nên, nhà quản lý thiếu quy định
và kiểm duyệt đầy đủ, nhà quảng cáo (báo chí) thiếu chấp hành quy định,
và nhà kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật.
Tại sao với TPCN, người ta hay phân phối thông qua
bán hàng đa cấp, một phương thức kinh doanh bị nhiều người tiêu dùng
Việt Nam coi gần như đồng nghĩa với lừa đảo?
“Bán hàng đa cấp đồng nghĩa với lừa đảo” là
một ý kiến sai lệch nghiêm trọng. Bán hàng đa cấp được phát hiện từ năm
1934 ở Mỹ. Giờ đây, ở hầu khắp các nước, bán hàng đa cấp được luật pháp
công nhận và là loại hình thương mại có ưu việt là tư vấn trực tiếp cho
người tiêu dùng. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cũng thừa nhận đó là
hình thức thương mại tiên tiến và có hiệu quả.
Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh và Nghị định 110 đã cho
phép hình thức này. Đến nay, ta có hơn 40 công ty bán hàng đa cấp, với
700.000 nhà phân phối, đem lại doanh thu 2.100 tỷ đồng năm 2009 (tăng
150% so với năm 2008), đóng thuế 660 tỷ đồng cho nhà nước.
Đáng tiếc, một vài cá nhân thổi phồng tác dụng của sản
phẩm và đó là bán hàng đa cấp bất chính. Trong số 700.000 nhà phân phối
đó, dứt khoát có một số vi phạm. Ngành nghề nào cũng thế thôi.
Có điều, với một số ít như thế, không thể kết luận
chung cho cả ngành nghề được. Với việc Chính phủ vừa cho thành lập Hiệp
hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam, chắc chắn các hiện tượng trên sẽ bớt dần.
Từ chỗ nhiều tai tiếng về TPCN, có ý kiến cho rằng
không nên cho phát triển TPCN nữa. Thay vào đó, chỉ cần giúp nâng cao
chất lượng bữa ăn và đấy là cách tiêu thụ TPCN an toàn nhất, rẻ nhất,
tránh mọi nguy cơ lừa đảo?
Trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa,
cách chế biến và tiêu dùng thực phẩm thay đổi cơ bản, dẫn tới thiếu hụt
vi chất, hoạt chất sinh học vốn dồi dào trong thức ăn truyền thống.
Thức ăn thời hiện đại, có lẽ không nhiều người nhận ra rằng, là thủ phạm
làm các bệnh rối loạn chuyển hóa, ung thư, tim mạch, tiểu đường, v.v,
gia tăng.
TPCN chính là phương cách giúp bù đắp các nguyên tố vi
lượng bị mất mát trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm theo cách
hiện đại. Đây được xem là một phát minh của nhân loại, phát triển theo
quy luật, và là xu thế tất yếu. TPCN là chiến lược dự phòng của thế kỷ
21.
Hiệp hội vẫn chơi là chính
Thật ngạc nhiên khi được biết, ở Mỹ, Hiệp hội TPCN
và nước giải khát có 14 triệu hội viên với ngân sách được Chính phủ hỗ
trợ 21 tỷ USD/năm. Ông có thể cho biết số tiền khổng lồ ấy được dùng vào
việc gì không?
Số tiền đó được dùng vào việc tuyên truyền, đào tạo,
hướng dẫn cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn quan trọng như Thực hành
Sản xuất tốt (GMP), xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận, xét nghiệm,
đánh giá, kiểm tra.
Ở Việt Nam thì sao, Hiệp hội TPCN Việt Nam từ khi
ra đời có đóng góp gì trong việc hoá giải các bất cập và điều tiếng xấu
liên quan đến TPCN?
Hiệp hội TPCN ra đời là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và tiêu dùng
TPCN; thúc đẩy phát triển TPCN; giáo dục tuyên truyền toàn xã hội hiểu
đúng, làm đúng, dùng đúng TPCN; và là trung tâm kết nối nhà sản xuất
kinh doanh, nghiên cứu, với người tiêu dùng TPCN.
Thực tế thì sao? Có ý kiến Hiệp hội TPCN Việt Nam
bảo vệ người tiêu dùng đâu chưa thấy mà chỉ thấy là hiệp hội của doanh
nghiệp. Quan chức nghỉ hưu có chân trong hiệp hội cũng chủ yếu giúp
doanh nghiệp kết nối với cơ quan quản lý để che chắn cho doanh nghiệp?
Ý kiến như vậy hoàn toàn là sai lầm. Hiệp hội, theo quy
định của Chính phủ, đúng là hiệp hội của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Các cơ sở, công ty, các tổ chức
hoạt động còn mang tính riêng lẻ, trước mắt vì lợi ích của riêng mình,
chưa có sự liên kết, tổ hợp để tạo ra sức mạnh dây chuyền và phát triển
bền vững.
Hiệp hội là lực lượng thứ ba ở bên cạnh cơ quan quản
lý, xem xét phản biện các chính sách, quy định của nhà nước để làm cho
xã hội thực sự dân chủ và phát triển hơn.
Văn bản thành lập Hiệp hội có nói Hiệp hội hoạt
động cũng vì lợi ích người tiêu dùng. Nhưng với việc tư vấn cho 17 công
ty trong nước và nước ngoài về TPCN và nghiên cứu thành công đưa vào sản
xuất 2 sản phẩm TPCN, liệu Hiệp hội còn đủ công tâm để quan tâm đến
người tiêu dùng không hay cuối cùng cũng chỉ là một doanh nghiệp?
Hiệp hội đã tổ chức tư vấn, đào tạo cho hàng chục ngàn
người tiêu dùng về TPCN, giúp cho nhiều trường hợp vượt qua tình trạng
bệnh tật bằng TPCN. Nhiều người tiêu dùng ở khắp cả nước tin cậy, xin tư
vấn, giải thích và, cuối cùng là, cảm ơn.
Vì sao hai năm nay với bộ máy có thể nói là đồ sộ,
Hiệp hội vẫn chưa được tham gia vào quản lý an toàn thực phẩm nói chung
và TPCN nói riêng?
Hiệp hội có tham gia vào công tác quản lý TPCN như phối
hợp cùng Cục ATVSTP đi kiểm tra, đào tạo về TPCN, góp ý xây dựng các
văn bản quản lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn rất hạn chế sử dụng các hội
và hiệp hội vào công tác quản lý, do thiếu một luật về hội như ở các
nước.
Nếu huy động các hiệp hội sẽ có lợi lớn như giúp bớt đi
các công việc của người quản lý nhà nước do không đủ biên chế và thời
gian.
Thực chất của quản lý là ban hành tiêu chuẩn và thanh
tra chấp hành. Còn các dịch vụ khác như tuyên truyền giáo dục, kiểm
nghiệm, chứng nhận, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh là do hội và hiệp
hội. Hiệp hội tập hợp nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, giàu kiến thức
sâu về chuyên ngành.
Một sản phẩm tiêu tan vì cán bộ thiếu hiểu biết
Có ý kiến cho rằng phát triển ồ ạt TPCN ở Việt Nam chỉ là bắt người nghèo tiêu xài xa xỉ một cách không cần thiết?
Ở châu Âu, mỗi người một năm dùng 51,2 USD TPCN. Con số
đó ở Mỹ cao hơn, 67,9 USD, và ở Nhật Bản cao hơn nữa, 126 USD TPCN. Ở
Mỹ, 40% người trưởng thành dùng TPCN năm 2006 và năm 2007 là 52%. Không
phải ngẫu nhiên tuổi thọ và sức khỏe người Nhật, Mỹ, các nước châu Âu
cao hơn các khu vực khác.
TPCN có tính ưu việt lớn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc bảo
vệ sức khỏe cho cả người khỏe và người ốm, cho cả người nghèo và người
giàu, cho cả các nước công nghiệp và còn đang phát triển. Theo tôi, phải
tăng giáo dục tuyên truyền hơn nữa để làm cho mọi người hiểu đúng hơn
về TPCN, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội cải thiện sức khoẻ cho chính mình.
Nhưng giá cả TPCN còn cao quá, nhất là với người
nghèo. Thế rồi các quy định pháp luật về TPCN liên quan đến quản lý, các
tiêu chuẩn, quy chuẩn, để bảo vệ người tiêu dùng, vẫn chưa có?
Giá cao là do thuế nhập khẩu còn cao và doanh nghiệp
còn đặt giá cao để thu nhiều lợi nhuận. Chỉ còn cách đề nghị Chính phủ
giảm thuế nhập khẩu dưới 10% và doanh nghiệp giảm giá thấp hơn. Còn, với
việc 1.700 mặt hàng TPCN đang lưu hành, đúng là cần sớm có tiêu chuẩn
về các loại sản phẩm này.
Từng trực tiếp phụ trách Cục An toàn Vệ sinh Thực
phẩm, Bộ Y tế, chắc ông không lạ chuyện một cá nhân giữ vị trí cao trong
ngành y tế chịu trách nhiệm chính khiến một công ty sản suất TPCN phải
phá sản và kìm hãm hàng trăm công ty khác phát triển?
Cán bộ có chức có quyền ấy quyết định đưa một sản phẩm
bảo vệ sức khỏe (TPCN) đã được công bố tiêu chuẩn tại Cục ATVSTP sang
đăng ký ở Cục Quản lý Dược. Sản phẩm đó sản xuất ở nước ngoài theo tiêu
chuẩn thực phẩm và ra lò tại nhà máy thực phẩm hẳn hoi.
Thế nên, tại Việt Nam, thực phẩm chính hiệu đó không
thể đủ tiêu chuẩn để được công nhận là thuốc ở Cục Quản lý Dược được.
Kết quả của sự chỉ đạo ấy là doanh nghiệp phải phá sản, giải tán. Theo
quy định quốc tế, TPCN khác thuốc ở nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí
công bố thành phần hoạt chất trên nhãn. Vị lãnh đạo kia chưa nắm được
quy định của luật pháp quốc tế và chưa hiểu về TPCN.
Ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng không?
Một, hãy biết cách tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khi
còn đang khỏe. Hai, hãy sử dụng TPCN hỗ trợ cho bữa ăn hằng ngày. Ba,
hãy là người tiêu dùng thông thái, mua và sử dụng TPCN phù hợp tình
trạng sức khỏe, bệnh tật và của các hãng có uy tín và sản phẩm đã công
bố tiêu chuẩn tại Cục ATVSTP.
Xã hội càng phát triển, các bệnh dịch nhiễm trùng ngày
càng giảm, tiến tới thanh toán được như bại liệt, viêm não, dịch hạch.
Song công nghiệp hóa, đô thị hóa kèm theo cơn thủy triều dịch bệnh không
lây (tiểu đường, ung thư, tim mạch, xương khớp, rối loạn chuyển hóa) là
do:
(1) Thay đổi phương thức làm việc. Tình trạng làm việc trong phòng kín, với máy tính dần dần thay thế cho phương thức cũ.
(2) Thay đổi lối sống, lối sinh hoạt. Lối sống tĩnh tại gia tăng, ít vận động.
(3) Thay đổi tiêu dùng thực phẩm. Tiêu dùng thực phẩm
mang tính toàn cầu, ăn ngoài tiệm tăng, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn
thay dần cho thực phẩm tự nhiên, khẩu phần ăn gia tăng thức ăn động vật,
bơ, sữa, trứng, ít chất xơ, nhiều chất béo.
(4) Thay đổi môi trường, gia tăng ô nhiễm vi lượng trong môi trường thực phẩm và môi trường sống.
(5) Phương thức nuôi trồng thực phẩm và chế biến thực phẩm thay đổi cơ bản. |
Quốc Dũng
|